TIN TỨC


Báo Nghệ An : Khắc phục ô nhiễm môi trường ở công ty CP Bia Sài Gòn- Nghệ An (Kỳ 1)

 
 
Bài 1: Tính tất yếu của sự phát triển

(Baonghean) - Thành lập năm 1984, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh đã tạo cho mình một thị trường rộng lớn, chủ yếu tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hàng trăm lao động trực tiếp và lao động vệ tinh; mở rộng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng công suất của công ty cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập trong việc đảm bảo các yêu cầu về môi trường…

Vận hành dây chuyền sản xuất bia tại Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh.
Tiền thân của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là một phân xưởng của Nhà máy ép dầu Vinh đóng tại phường Trường Thi (Thành phố Vinh), rồi Nhà máy Nước ngọt Vinh (ra đời từ 1984). Nhà máy nước ngọt Vinh sau một thời gian đi vào hoạt động, do sản xuất kém hiệu quả và trên cơ sở phân tích các yếu tố (hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc điểm khí hậu, địa bàn hoạt động, khả năng sản xuất của nhà máy và nhu cầu của người dân xứ Nghệ), nhà máy đã quyết định chọn bia làm sản phẩm chính. Năm 1986, sau khi khảo sát thực tế tại Nhà máy Bia Hà Nội, Ban cán sự cùng với toàn thể công nhân lao động đã đặt quyết tâm cao trong việc thực hiện chiến lược mới, có tính đột phá: Sản xuất bia. Sau 1 năm, nhà máy đã lắp đặt và sản xuất thành công sản phẩm bia trên dây chuyền sản xuất cổ điển với các sản phẩm bia hơi, bia chai và bia lon mang thương hiệu SOLAVINA. Năm 1987, nhà máy đổi tên thành Nhà máy Bia Nghệ Tĩnh và đến năm 1992 đổi tên thành Nhà máy Bia Nghệ An.
 
Có thể nói, tại thời điểm đó, sự ra đời của nhà máy bia đã đánh dấu một bước ngoặt trong ngành công nghiệp còn non trẻ của Nghệ An nói chung và Thành phố Vinh nói riêng, khai mở sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống. Trong những năm đầu hình thành nhà máy bia, dân cư ở phường Trường Thi vẫn còn thưa thớt, chưa quần tụ đông đúc như bây giờ. Một số người dân cho biết sau lưng nhà máy bia lúc đó có một xưởng dệt, sau đó xưởng dệt hóa giá và giải thể, người dân mới đến ở. Nhà máy bia ban đầu có công suất và quy mô chỉ khoảng 1 triệu lít/năm. Vì vậy, môi trường chưa phải là vấn đề bức xúc được công ty lẫn người dân quan tâm, hệ thống xử lý nước thải cũng chưa được đầu tư đồng bộ ngay từ đầu.
 
Phường Trường Thi chính thức được thành lập ngày 21 tháng 8 năm 1982 (trước 2 năm khi Nhà máy nước ngọt Vinh - tiền thân của nhà máy bia ra đời) với khoảng 275 hộ, 1.285 nhân khẩu, sống rải rác trên địa bàn rộng gần 2 km. Ngay buổi đầu thành lập, phường đã chịu ảnh hưởng, tàn phá nặng nề của cơn bão số 7. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường khóa 1 năm 1982 xác định phải huy động mọi nguồn lực, tập trung phấn đấu xây dựng công trình phúc lợi công cộng phục vụ thiết thực đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân như đường, mương, trạm, chợ. Đồng thời với việc sắp xếp lại địa bàn cư trú, đường sá, vườn tược, các khu vực dân cư, phường Trường Thi được tỉnh, thành phố cho phép nhập thêm một số khối, xóm của phường Bến Thủy, Hưng Dũng để thực hiện quy hoạch phát triển đô thị và tăng dân số. Những năm tiếp theo, phường tập trung làm nhiệm vụ cải tạo quy hoạch xây dựng các khu dân cư theo mô hình đô thị hóa, xóa bỏ dần việc xây dựng nhà ở kiểu làng xóm cũ. Song song với việc đô thị hóa, các khối dân cư, phường tiếp tục mở rộng nâng cấp nhiều trục đường nội phường, xây lại và làm mới nhiều cầu, cống đi qua các kênh mương lớn. Sự phát triển của công tác quy hoạch đô thị, đặc biệt là từ giai đoạn năm 1991-1996 trở về sau đã đưa phường Trường Thi trở thành phường Trung tâm phát triển của thành phố. 
 
Ngày 13/8/1993, Vinh được công nhận là đô thị loại II. Cùng với sự phát triển của đô thị Vinh và nhu cầu sử dụng sản phẩm bia ngày càng cao của người dân, nhà máy bia đối mặt với thực tế dây chuyền sản xuất lạc hậu không thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh với nhiều sản phẩm bia trên thị trường, đòi hỏi phải có dây chuyền sản xuất đồng bộ. Vì vậy, năm 1993 Nhà máy Bia Nghệ An đã đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất bia tự động của Đan Mạch với công suất 3 triệu lít/năm. Ngày 5/2/1994, nhà máy đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên trên dây chuyền mới gọi là Bia Vida (viết tắt của chữ VINH - ĐAN MẠCH). Năm 1995, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bia trên thị trường, nhà máy đã đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất tăng công suất của dây chuyền Bia Vida lên 6 triệu lít/năm. Vẫn giữ nguyên dây chuyền sản xuất bia hơi, chất lượng Bia Vida đã thực sự được khách hàng ưa chuộng. Đến năm 1996, do quy mô của nhà máy nên được đổi tên thành Công ty Bia Nghệ An. 
 
Năm 2001, thực hiện chủ trương của Nhà nước về cổ phần hóa doanh nghiệp, công ty đã tiến hành cổ phần hoá thành công với số vốn điều lệ ban đầu là 38,5 tỷ đồng (Nhà nước là 51%, của cổ đông là 49%), đổi tên thành Công ty cổ phần Bia Nghệ An. Một năm sau khi chuyển đổi, công ty đầu tư mở rộng nâng công suất lên 25 triệu lít. Đầu năm 2006, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn chính thức mua lại Công ty cổ phần Bia Nghệ An đổi tên thành Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ An.
 
Đến tháng 10/2006, hợp nhất Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ An  và Công ty Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh thành Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh với tổng số vốn điều lệ là 105 tỷ đồng. Đây là công ty con của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Chức năng chính của công ty là sản xuất bia với các sản phẩm là: Bia hơi, bia chai Vida loại 450 ml, bia chai Sài Gòn (loại 355 ml và 450 ml). Nhìn chung sản lượng bia sản xuất và tiêu thụ của công ty đều tăng lên mà Nghệ An là thị trường tiêu thụ lớn nhất, ngoài ra còn mở rộng ra các tỉnh khác. Năm 2005, công ty lập dự án đầu tư mở rộng nâng công suất lên 50 triệu lít/năm trên dây chuyền tự động và bán tự động, mặt bằng sản xuất 2,2 ha. Thương hiệu bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh trở thành thương hiệu, niềm tự hào của xứ Nghệ và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nhiều hãng bia trong nước ở khu vực miền Bắc, miền Trung và kể cả miền Nam.
 
Sự phát triển của công ty đã bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông, tạo việc làm ổn định, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập ổn định cho hơn 240 lao động trực tiếp tại công ty và hàng nghìn lao động vệ tinh ở hơn 70 đại lý và 1.700 điểm bán lẻ thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có công dân phường Trường Thi (TP. Vinh). Ông  Hồ Hữu Thương - Khối trưởng khối 6, phường Trường Thi nhẩm tính “chỉ riêng khối tôi đã có khoảng 22 hộ vợ chồng cùng làm ở nhà máy bia, nếu tính số lao động khoảng trên 40 -50 người”. Theo thống kê, công ty hiện có khoảng 63 công nhân đang làm việc và 55 người đã nghỉ hưu cư trú ở địa bàn phường Trường Thi. Trong đó, riêng khối 10 có 9 người hiện đang làm việc và 30 người đã nghỉ hưu. Hiện nay, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cũng là một trong những đơn vị đóng góp đáng kể cho ngân sách tỉnh (năm 2013 công ty nộp ngân sách trên 167 tỷ đồng). Bên cạnh đó, công ty cũng là một trong những đơn vị tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội với nguồn kinh phí hàng tỷ đồng.
 
Những năm sau này, nhất là từ năm 2008, thực hiện Quyết định 239-QĐ/TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ”, Vinh được công nhận là đô thị loại 1. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các vùng dân cư ở Thành phố Vinh nói chung,  đặc biệt là phường Trung tâm như Trường Thi nói riêng phát triển mạnh mẽ, dân cư ở sát khu vực xung quanh nhà máy trở nên đông đúc. Đất chật, người đông cộng thêm việc công ty bia nâng công suất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong khi các điều kiện đảm bảo về môi trường trong quá trình sản xuất (việc xử lý nước thải, không khí, bụi than) mặc dù đã có những nỗ lực để khắc phục nhưng chưa thật sự đồng bộ, ít nhiều gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân sống ở các khu vực xung quanh. Bà Đậu Thị Dương - khối 10 nhà ngay sau bể xử lý nước thải nhà máy cho biết: “Tôi ở đây từ năm 1987, hồi trước nhà máy bia diện tích nhỏ, công suất cũng nhỏ nên không vấn đề gì. Từ khi nhà máy nâng công suất lên bắt đầu sinh ra ô nhiễm, tiếng ồn, bụi than… khiến người dân bức xúc”.  
 
Cùng với việc phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng công suất của nhà máy và tốc độ đô thị hóa nhanh, Trường Thi trở thành phường trung tâm của Thành phố Vinh thì áp lực về môi trường, về ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là tất yếu của sự song hành phát triển, thế nhưng do không được giải quyết một cách dứt điểm, kịp thời đã gây bức xúc kéo dài, giữa doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung để hài hòa lợi ích giữa các bên…
 
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên 
nguồn : baonghean.vn