(KTMT) - Cùng với những thăng trầm trong quá trình phát triển của công ty, những năm qua công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh đang tự hoàn thiện và khoác lên mình chiếc áo mới phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kỷ thuật nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường cũng rất được nhà máy quan tâm.
Cây xanh được trồng để xử lý mùi hôi trong nhà máy
Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh đóng trên địa bàn phường Trường Thi, TP.Vinh, nguyên là nhà máy bia Nghệ An chuyên sản xuất bia hơi, bia chai, bia lon mang thương hiệu SOLAVINA được xây dựng từ năm 1986 với công suất 1 triệu lít/năm. Năm 1995 nâng công suất lên 6 triệu lít/năm. Năm 2002 đầu tư mở rộng nâng công suất lên 25 triệu lít/năm.
Hiện nhà máy có mặt bằng sản xuất trong diện tích 2,2 ha. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động tại địa phương. Hàng năm nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế rất lớn, riêng năm 2013 đã nộp trên 167 tỉ đồng. Đây cũng là 1 trong 3 doanh nghiệp lớn nhất của tỉnh.
Sản xuất bia sử dụng một lượng nước rất lớn, vì vậy công tác xử lý nước thải là một vấn đề mang tính sống còn của nhà máy. Do đó thời gian qua vấn đề môi trường luôn được ban lãnh đạo Công ty quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất có thể. Một phần rất lớn lợi nhuận đã được Công ty dùng vào công tác bảo vệ môi trường không chỉ cho cán bộ công nhận viên làm việc tại nhà máy mà cho những người dân sống xung quanh khu vực nhà máy. Qúa trình hình thành và phát triển của công ty luôn đồng hành với việc chấp hành tốt các chủ trương chính sách pháp luật nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, nhận thức rõ việc gây ảnh hưởng đến môi trường chính là ảnh hưởng tới cuộc sống không chỉ cho bản thân mình mà cho cả những người xung quanh.
Lãnh đạo công ty đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể về kĩ thuật cũng như nhân sự. Ngoài việc tuyển thêm kĩ sư về môi trường, phía Công ty còn tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho công nhân trong cơ quan. Xử lý về hệ thống nước thải của Công ty từ khâu sản xuất đến khâu vệ sinh các thiết bị, thùng chứa,sàn nhà. Các mẫu nước thải trong thời điểm kiểm tra đều đạt quy chuẩn cho phép (Viện Công nghệ môi trường - phòng nghiên cứu phân tích chất độc môi trường VILAS 368).
Hiện nay công ty đang đầu tư lắp đặt thêm các bể chứa dung tích lớn nhằm tăng công suất xử lý hơn so với trước đây, thời gian tới Công ty trang bị thêm các thiết bị hiện đại với công suất xử lý cao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nhất có thể để phù hợp với tiến độ sản xuất của nhà máy. Nhằm đối phó và xử lý các tiếng ồn từ hoạt động sản xuất gây ra hiện nay Công ty đã di dời các thiết bị gây ồn xa khu sinh hoạt của dân cư, đồng thời xây bao hàng rào kiên cố kín khu vực nhà máy, lò hơi gần khu dân cư, kèm với đó là việc trồng một lượng lớn cây xanh quanh nhà máy cũng như khu vực tiếp giáp nhà dân. Để xử lý mùi hôi phát sinh từ bể lắng cặn dầu, nhà ép bùn, hố ga chứa bùn công ty đã khắc phục bằng cách làm kín bể lắng và lắp đặt các thiết bị có hoạt tính khử mùi.
Phóng viên đã tiếp cận gặp gỡ và trao đổi với những hộ dân sống xung quanh Công ty để tìm hiểu thực trạng môi trường, bà Đậu Thị Dương cho biết: tình hình xử lý của nhà máy chưa thực sự hiệu quả, tình trạng mùi hôi thối vẫn chưa được xử lý triệt để, về đêm nhà máy hoạt động vẫn còn gây ra tiếng ồn.
Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhưng nhìn chung phía người dân họ đã đồng tình cao về những khắc phục của Công ty. Anh Nguyễn Hữu Hiếu số nhà 141B khối 10, P.Trường Thi xác nhận: cách đây mấy năm nếu các anh đến đây thì cảm nhận mùi hôi thối nồng nặc từ phía nhà máy bốc ra, nhưng bây giờ nhờ Công ty đã cố gắng khắc phục nên mùi hôi đã giảm, bà con sống xung quanh cũng thấy đỡ hơn. Bà Đào Thị Hoa (50 tuổi, trú khối phố 4, phường Trường Thi, TP.Vinh) nhà ngay cạnh nhà máy bia nói: "Thời gian trước tình trạng ô nhiễm của nhà máy rất nặng. Cứ động trời nắng, mưa là mùi hôi thối khó chịu lắm. Nhưng khoảng thời gian gần đây không còn mùi hôi nữa”.
Bà Thanh là hộ dân đã sống mấy chục năm nay gần với nhà máy khẳng định: “Công bằng mà nói mùi hôi không phải hoàn toàn do nhà máy thải ra mà một phần là do nước thải sinh hoạt của mấy tổ dân phố ở đây. Những lúc bên phía nhà máy thải nước thì mùi hôi còn đỡ chứ những lúc bình thường nước sinh hoạt từ kênh mương N3 này hôi kinh khủng.”
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc nhà máy đang trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Làm việc với PGĐ Công ty ông Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình trong vấn đề xử lý và bảo vệ môi trường. Công ty luôn cố gắng đảm bảo và khắc phục kịp thời những sự cố ngoài ý muốn để môi trường được trong lành. Thời gian sắp tới công ty sẽ cho lắp đặt thiết bị giám sát online nước thải sau xử lý đối với các thông số pH, lưu lượng trước khi xả thải (hiện công ty đã ký hợp đồng và đang chờ lắp đặt), bể lắng cặn tinh dầu vào hệ thống xử lý của Công ty. Bên cạnh đó chúng tôi đã cho lắp đặt đường dây nóng để tiếp thu và kịp thời xử lý các điểm nóng phát sinh về vấn đề môi trường, đồng thời chúng tôi sẽ minh bạch hóa các hoạt động môi trường của nhà máy cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như đại diện cộng đồng dân cư biết để sớm có hướng giải quyết phù hợp, cương quyết không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm cũng như đời sống dân cư.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi – TP.Vinh – Nghệ An - cho biết: “Lãnh đạo và người dân trong phường rất đồng tình với văn bản số 1836 ngày 1.4.2014 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền. Bởi, nội dung văn bản đã chỉ đạo quyết liệt, giao cho Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh thực hiện nhiều hạng mục khắc phục ô nhiễm môi trường. Về phía Nhà máy bia đã và đang đồng loạt triển khai thực hiện theo chỉ đạo. Do vậy, thời gian này, người dân đã yên tâm hơn khi vấn đề ô nhiễm của nhà máy đã giảm thiểu một cách tích cực”.
Theo văn bản chỉ đạo số 1836, ngoài việc giao nhà máy bia thực hiện các hạng mục để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh còn giao UBND TP.Vinh thành lập tổ giám sát gồm các cơ quan chuyên môn của thành phố, đại diện HĐND, UBMTTQ phường Trường Thi, khối phố lân cận nhà máy giám sát các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường của nhà máy. Chỉ đạo Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị TP.Vinh khẩn trương thực hiện việc cải tạo, nạo vét và đậy kín mương thoát nước số 3 - nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của dân cư phường Trường Thi và nước thải từ nhà máy bia mà trước đó người dân phản ánh bị ô nhiễm