(Baonhean) - Lý do một bộ phận người dân khối 10 (phường Trường Thi) đưa ra để yêu cầu Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh phải di dời nhà máy là bởi họ không tin tưởng vào khả năng khắc phục ô nhiễm của nhà máy…
Hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Bia Sài Gòn - Củ Chi |
Người dân cho rằng “Mặc dù đề án Bảo vệ môi trường chi tiết cho hoạt động sản suất của Nhà máy với công suất 50 triệu lít/ năm đã được Bộ Tài Nguyên & Môi trường phê duyệt nhưng nhà máy bia không thể xử lý triệt để theo đề án đó được. Bởi thứ nhất, nhà máy ở trong lòng khu dân cư, ngay sát hàng rào của dân. Thứ hai, địa hình chật chội, chắp vá. Thứ 3, nhà máy bia là một đơn vị kinh doanh, mà đã là kinh doanh thì phải có lợi nhuận, dù họ có thể xử lý được nhưng kinh phí cực kỳ lớn họ cũng không dại gì mà làm … Chính vì vậy dân kiên quyết đẩy họ đi”.
Mang theo băn khoăn có thể hay không thể tồn tại nhà máy bia giữa lòng thành phố? Chúng tôi (PV) đã tìm đến Nhà máy Bia Sài Gòn ở 187 Nguyễn Chí Thanh (có lịch sử hơn 100 năm - Trực thuộc Tổng Công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn) nằm ngay “khu đất vàng” của Trung tâm quận 5, thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu. Nhà máy này cũng có vị trí tương tự như Nhà máy Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh, ở sát khu dân cư và diện tích còn chật hẹp hơn (chỉ 1,7 ha, trong khi diện tích của Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là 2,2 ha). Ấn tượng đầu tiên về nhà máy Bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh là môi trường xanh, sạch, trong lành và yên tĩnh; vừa mang đậm không gian và dấu ấn của một nhà máy cổ ra đời sớm nhất tại Việt Nam kết hợp với những nét hiện đại, tân tiến; không tiếng ồn, không mùi hôi như vẫn thường thấy ở các nhà máy sản xuất công nghiệp đồ uống.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên xanh sạch, bảo tàng bia, dây chuyền sản xuất và đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, ông Nguyễn Ngọc Kim – Trưởng Phòng hành chính nhân sự, người có thâm niên làm quản đốc lâu năm ở nhà máy (từ năm 1978 đến nay) tự hào cho biết: Lý do để nhà máy chúng tôi có thể tồn tại ngay giữa lòng thành phố chính là luôn coi trọng yếu tố môi trường. Định hướng phát triển của nhà máy được xây dựng theo tiêu chí xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Để có kết quả ngày hôm nay, nhà máy cũng đã trải qua thời kỳ hết sức khó khăn. Bởi tiền thân trước đây là một Nhà máy của tư bản Pháp được xây dựng từ những năm 1875. Do lịch sử để lại, với một hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cộng thêm việc nâng công suất đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thời điểm đó người dân cũng kêu ca, phàn nàn, thậm chí còn bị Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong lòng thành phố (theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg). Đó là thời kỳ nhà máy đối mặt với thử thách lớn, vừa phải duy trì sản xuất, vừa xây dựng hệ thống xử lý môi trường.
Quá trình khắc phục ô nhiễm của nhà máy không hề đơn giản bởi diện tích chật hẹp (1,7ha) lại ở nằm trong khu vực đông dân cư, trung tâm Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, sát trường học, khu ký túc xá, chung cư cao tầng và nhà dân. Ngoài ra còn có một kho nguyên liệu ở trung tâm Phường 6, Quận 10. Cái khó ló cái khôn, xác định mục tiêu: Đảm bảo môi trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, Ban giám đốc và cán bộ, công nhân viên đã đồng lòng, quyết tâm tìm ra lời giải cho bài toán về môi trường.
Đầu tiên phải kể đến quyết định thu hẹp sản lượng, cắt bớt từ 4 dây chuyền xuống còn 2 (một dây chuyền bia chai và một dây chuyền bia lon), giảm công suất từ 240 triệu lít xuống còn 120 triệu lít/năm để phù hợp với hệ thống xử lý nước thải và xây dựng thành chủ trương định hướng bền vững. Đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tự động hóa (theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thành vào năm 2013) với lưu lượng xả thải 1.600 m3/ngày đêm (trị giá khoảng 12 tỷ đồng) đi đôi với đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất nhất là những vấn đề liên quan đến khí thải ví dụ lò hơi, lò đốt; máy lạnh dự phòng, thay đổi hệ thống tag chứa bia thể đứng bằng tag nằm mới có diện tích lớn hơn để nâng chất lượng bia, tiết kiệm nước tối đa khi vệ sinh với hệ thống liên thông, liên kết nhiều tầng; giảm thiểu hóa chất hoặc chất tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường. Rác thải (bã men, bột lọc, hèm...) được phân loại, xử lý ngay từ đầu nguồn.
Bên cạnh đó, nhà máy cũng lựa chọn sản xuất những sản phẩm ít gây ô nhiễm hơn như sản xuất bia lon nhiều hơn bia chai vì bia chai sử dụng lại vỏ bia nhiều lần phải qua súc rửa gây ô nhiễm môi trường, nhất là về nước thải. Hiện nhà máy đang chạy thử nghiệm dây chuyền bia chai hiện đại, thân thiện với môi trường đảm bảo tiết kiệm nước, giữ nhiệt, có hệ thống thu hồi sút, lọc sút (NA0H) ở máy rửa chai, cung cấp lại cho máy, cuối cùng khi xả ra chỉ còn cặn, hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường. Nước thải xử lý hữu cơ, vi sinh hóa. Hệ thống xử lý nước thải không được đầu tư theo hình thức cuốn chiếu từng hạng mục, vì kinh phí khá lớn (tổng mức đầu tư đến thời điểm này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng)
Một giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường được nhà máy hết sức chú trọng là thiết kế quy hoạch cảnh quan, trồng cây xanh, cây cảnh phủ xanh khu vực trước, trong nhà máy, và khu vực xử lý nước thải, phấn đấu phủ xanh 30 – 40% diện tích. Xây dựng quy chế, ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân viên, đào tạo cán bộ tay nghề giỏi cả trong sản xuất, sử dụng, vận hành máy móc công nghệ cũng như vận hành khu xử lý nước thải bởi theo lãnh đạo nhà máy thì “con người là yếu tố quan trọng nhất”.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng trong việc ổn định và phát triển của Nhà máy Bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh đó chính là mối quan hệ hợp tác rất tốt giữa đơn vị và các cấp, chính quyền địa phương, người dân. Định kỳ, công ty phối hợp với thành phố, hợp đồng với công ty vệ sinh đô thị nạo vét, hút kênh mương, đường ống bao quanh khu vực nhà máy. Ban lãnh đạo nhà máy tổ chức cho nhân dân sống xung quanh tham quan trực tiếp dây chuyền sản xuất và công nghệ xử lý nước thải một cách công khai minh bạch để người dân chứng kiến, ghi nhận, chia sẻ với những nỗ lực của nhà máy trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường. Mối quan hệ gắn bó giữa nhà máy với chính quyền địa phương và nhân dân còn được gắn kết thông qua các hoạt động nhân đạo từ thiện, vì người nghèo trên địa bàn…
Như vậy, lý do để nhà máy tồn tại trong lòng thành phố, thân thiện với môi trường, với người dân sở tại là hướng theo tiêu chí vừa sản xuất kinh doanh, vừa là địa điểm tham quan du lịch, vừa tạo môi trường xanh. Theo cách nói của lãnh đạo công ty thì vừa làm kinh tế, vừa làm văn hóa, vừa làm chính trị. Bà Thái Thị Ánh Hồng - Phó giám đốc nhà máy Bia Sài Gòn - 187 Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai giai đoạn 2 trong việc xây dựng bảo tàng bia ở khu B nhằm mục đích giới thiệu với khách tham quan truyền thống, lịch sử của nhà máy, kế thừa từ thời Pháp. Đây là cái nôi, truyền thống sản xuất ra những dòng bia đầu tiên của bia Sài Gòn, niềm tự hào của người Việt Nam”.
Bảo tàng bia mà bà Ánh Hồng đề cập không chỉ là nơi lưu giữ các hình ảnh của Bia Sài Gòn qua các thời kỳ lịch sử, mà còn có những vật dụng để sản xuất, sang chiết, nấu bia qua các thời kỳ, những kỷ vật liên quan đến những cán bộ, công nhân đã gắn bó với nhà máy bia từ thời Pháp như cặp lồng ăn cơm của công nhân, giá sách, đèn… Phòng trưng bày thông với kết nối với bảo tàng khu tank lên men nằm được xây dựng từ năm 1875 và dẫn ra vườn bia, nơi công nhân có thể nghỉ ngơi, thư giãn vào những giờ nghỉ, cũng là nơi khách tham quan có thể thưởng thức dòng bia hương vị đậm đà mang thương hiệu bia Sài Gòn… Mọi khoảng trống dù nhỏ nhất trong nhà máy đều được tận dụng để trồng hoa, trồng cây xanh đó là lý do mọi người đều thấy mát mắt và thanh bình khi bước chân vào nhà máy”.
Với sự nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, Nhà máy Bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh không chỉ ra khỏi danh sách những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong thành phố, mà còn trở thành một trong những mô hình về làm tốt công tác bảo vệ môi trường ở TP Hồ Chí Minh và vinh dự đón nhận giải thưởng: “Doanh nghiệp xanh” (do Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phương Nam, Phó chủ tịch UBND phường 12, Quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết: 10 năm qua, quá trình sản xuất của nhà máy không gây ô nhiễm môi trường và địa phương cũng không hề nhận được sự phản ánh của người dân liên quan đến môi trường. Hàng năm, nhà máy đều đạt danh hiệu công sở văn minh sạch đẹp, trong đó các tiêu chí môi trường đều đảm bảo. Phường, quận và thành phố đều đánh giá cao nỗ lực cân bằng giữa sản xuất kinh doanh và môi trường của nhà máy bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh. Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh hiện nay vẫn “đóng đô” ngay trong lòng TP. Hồ Chí Minh và sản xuất ổn định 120 triệu lít bia/năm, điều đó là một minh chứng cụ thể để khẳng định: Một doanh nghiệp lớn sản xuất bia vẫn tồn tại và phát triển bền vững ngay trong lòng thành phố.
Quay trở lại Nghệ An, Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cũng là một doanh nghiệp có truyền thống lâu đời về sản xuất bia và hiện cũng đang nằm ở một phường trung tâm trong lòng thành phố và có diện tích đất rộng hơn (2,2 ha), công suất ít hơn (công suất hiện tại của nhà máy Bia Nguyễn Chí Thanh là 120 triệu lít/năm và của Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh theo yêu cầu của UBND tỉnh Nghệ An chỉ có 25 triệu lít/năm). Vậy tại sao Nhà máy bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh tồn tại được, mà Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh lại không đứng vững được trên địa bàn khu dân cư giữa lòng thành phố? Đó là chưa kể, Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh ra đời sau Nhà máy bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh, đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nên việc khắc phục đảm bảo môi trường là điều sẽ thực hiện được và cũng thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Kim, Trưởng phòng hành chính Nhân sự (Nhà máy bia 187 Nguyễn Chí Thanh) cho rằng: Trước đây chúng tôi cũng như Nhà máy Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, bối rối không biết bắt đầu từ đâu, xử lý như thế nào, nhưng rồi chúng tôi đã tìm ra hướng đi của mình. Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cũng có thể khắc phục được ô nhiễm môi trường như cách mà chúng tôi đã làm. Trước tiên là ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn về dây chuyền công nghệ sản xuất thì đánh giá xem cái gì cần đầu tư trước thì ưu tiên đầu theo hướng thân thiện với môi trường, những cái chưa cần thiết thì đầu tư sau…
Với mong muốn tận mắt chứng kiến và tham khảo các mô hình nhà máy thân thiện với môi trường, ngoài nhà máy bia 187 Nguyễn Chí Thanh, nhóm phóng viên Báo Nghệ An còn tìm đến tận Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi được xây dựng theo mô hình nhà máy - Công viên trên diện tích 50 ha. Đây là một mô hình hiện đại, đang được các doanh nghiệp hướng tới và nhất là đối với ngành công nghiệp sản xuất đồ uống. Không ngoa, khi nói nhà máy này còn đẹp hơn cả công viên với hệ thống khuôn viên thiết kế thảm hoa, cây xanh, bồn nước được quy hoạch rất bài bản, qui mô, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Ngay ở cổng vào nhà máy là những bồn hoa rực rỡ sắc màu, trong khuôn viên nhà máy là cả một không gian yên tĩnh, thoáng đãng, trong lành. Nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ 100% tự động của Đức, hiện đại nhất Đông Nam Á, với công suất 300 triệu lít/năm nhưng chỉ có 300 công nhân.
Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Kỹ thuật viên công nghệ quản lý xử lý nước thải của nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi thì: Vấn đề quan tâm hàng đầu của Ban lãnh đạo nhà máy đó là chất lượng nước thải đầu ra, quản đốc nhà máy 1 ngày xuống hiện trường kiểm tra một lần, Giám đốc trực tiếp xuống kiểm tra một tuần/lần. Hiện nay, chất lượng nước thải đầu ra tại nhà mát đạt loại A, đạt công suất 4.500 m3/ngày đêm. Nước sinh hoạt và nước thải trong quá trình sản xuất được đưa về một hồ để điều tiết lưu lượng và đưa về hệ thống xử lý. Sau đó đưa về máy lọc rác, những rác, tạp chất lớn hơn 1mm sẽ được tách ra. Tiếp đến là công đoạn nước cân bằng PH khoảng 7 và nhiệt độ 40 sẽ đưa qua bể xử lý khí để giảm tải khoảng 80% ô nhiễm. Sau đó lượng khí mê tan sinh ra được xử lý qua hệ thống đốt không gây ô nhiễm môi trường. Cuối cùng là xử lý hút khí nước thải tràn qua tự nhiên, qua các mẻ xử lý SBR (hệ thống xử lý sbr xử lý nước thải theo mẻ). Nước thải sau khi được xử lý xả xuống hồ điều hòa nuôi cá và xả thẳng ra kênh sinh hoạt, bùn vi sinh được dùng để bón cho dừa, cây cảnh và vườn cây ăn quả với đủ loại cam, táo, mít, ổi của Nhà máy, tạo nên cảnh quan xanh - sạch - đẹp và phục vụ đời sống tinh thần của công nhân và giữ xanh cho nhà máy. Kể cả khu xử lý nước thải, xung quanh cũng trồng rất nhiều cây xanh, tỷ lệ phủ xanh đạt hơn 80%.
Chẳng nói đâu xa, ngay ở Nghệ An, cũng với mục tiêu phát triển mô hình hiện đại này, Tổng công ty CP Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn - SABECO cũng đầu tư xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn – Sông Lam (tại khu vực Núi Mượu trên địa bàn giáp ranh 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn) trên diện tích 32,2 ha. Nhà máy được xây dựng với tổng giá trị thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.045 tỷ VNĐ, trong đó phần thiết bị trị giá 859,797 tỷ. Tổng thầu thiết kế và xây lắp Nhà máy là Công ty Kroness AG – CH LB Đức; Nhà thầu xây dựng là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Uy Nam (Unicons); Nhà thầu tư vấn xây dựng – Công ty Royal Haskoning - Việt Nam và Nhà thầu gói xử lý nước thải là Công ty công nghệ môi trường Á Đông (ASIA TECH)... Công suất sản xuất đạt 100 triệu lít bia/ năm (có thể mở rộng nâng công suất lên 200 triệu lít / năm).
Các hạng mục chính bao gồm: Phân xưởng động lực; Phân xưởng Công nghệ (lưu trữ, xử lý nguyên liệu, nấu, lên men và lọc bia), Phân xưởng Chiết gồm dây chuyền chiết chai công suất 30.000 chai/ giờ và chiết lon công suất 30.000 lon/ giờ. Nhà máy được trang bị phòng thí nghiệm với các thiết bị thí nghiệm chuyên ngành hiện đại đáp ứng yêu cầu của Ban kỹ thuật SABECO về kiểm soát các chỉ tiêu hóa lý, đảm bảo chất lượng bia ở các công đoạn sản xuất; Hệ thống kho vật tư, nguyên vật liệu, vỏ chai két rỗng, thành phẩm đảm bảo công suất 100 triệu lít bia… Do đây là một dự án được đầu tư đồng bộ, nên hệ thống xử lý nước thải được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Ông Hoàng Trọng Bảo - Tổ trưởng Tổ xử lý nước thải Nhà máy Bia Sài Gòn – Sông Lam cho biết: “ Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy với công suất xử lý 2.500 m3/ngày đêm và hồ sinh thái được thiết kế và thi công đảm bảo chất lượng nước xả thải sau xử lý theo yêu cầu của Sở KHCN & MT Tỉnh Nghệ An và đạt tiêu chuẩn 0,9A theo quy chuẩn Việt Nam số QCVN 24 – 2009 và đã được cấp phép xả thải. Hiện tại, hệ thống xử lý nước thải hoạt động ổn định” .
Đó là những mô hình mà Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh có thể học tập để hướng tới xây dựng nhà máy thân thiện với môi trường, mà sát thực nhất là mô hình Nhà máy bia Sài Gòn, 187 Nguyễn Chí Thanh ở Trung tâm quận 5 thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề là Ban lãnh đạo nhà máy có quyết tâm làm hay không và người dân có chia sẻ và tạo cho nhà máy cơ hội để thực hiện theo mô hình này hay không?
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
nguồn : baonghean.vn
nguồn : baonghean.vn