TIN TỨC


Báo Nghệ An : Khắc phục ô nhiễm môi trường ở công ty CP Bia Sài Gòn- Nghệ An (Kỳ cuối)

Bài cuối: Thực hiện lời hứa khắc phục ô nhiễm

(Baonghean) - Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, xây dựng mô hình nhà máy thân thiện với môi trường là cả một quá trình, không thể hoàn tất trong một sớm một chiều, đòi hỏi sự nỗ lực, chia sẻ từ nhiều phía. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Công ty CP Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh cần khẩn trương triển khai các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục ô nhiễm, lấy lại niềm tin nơi nhân dân.
 
Việc Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh nâng công suất trong thời điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường khiến một số hộ dân ở xung quanh khu vực (tập trung khối 10 - phường Trường Thi -  TP. Vinh) bức xúc, gửi đơn kiến nghị yêu cầu di chuyển. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của người dân, nhưng cũng phải nhìn nhận, ghi nhận một cách khách quan những cố gắng, nỗ lực của nhà máy trong việc cân bằng giữa sản xuất, kinh doanh với khắc phục ô nhiễm môi trường thời gian gần đây, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

 

Mẫu nước qua xử lý
Mẫu nước qua xử lý
 
Hiện nay, một số người vin vào những tồn tại trước đây, nhất là việc ô nhiễm tại mương số 3 để đổ lỗi cho nhà máy bia, kêu gọi các xóm liên đới dọc mương số 3 ký vào đơn khiếu kiện, kêu cứu đề nghị chuyển nhà máy bia đi chỗ khác. Nhưng cũng có những người nhận thức khá khách quan khi đánh giá rằng: Thời gian gần đây nhà máy đã có những thiện chí và có những cố gắng trong việc đảm bảo môi trường, về ô nhiễm tại mương số 3 không thể đổ lỗi 100% cho nhà máy bia, vì đây là mương nước thải sinh hoạt chung của người dân các khối 7,8,9,10,11,13,14 (với  khoảng 6 nghìn dân). Ngoại trừ khối 10 - là khối gần sát nhà máy bia nhất có yêu cầu di dời nhà máy, khối trưởng, bí thư một số khối mà chúng tôi đã trực tiếp gặp đều có chung một câu trả lời: “Chúng tôi kiến nghị cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải từ mương thoát nước số 3”. 
 
Hiện nay, tuyến mương (dài hơn 800m) đang được đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên việc đậy nắp mương số 3 chỉ được tiến hành đoạn từ bờ rào Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh đến cống đường An Dương Vương (dài hơn 101m), nên phần mương hở còn lại sẽ rất khó bảo đảm môi trường, vì người dân ở dọc mương này thường đổ trực tiếp các loại chất thải xuống mương gây tắc nghẽn dòng chảy, làm ô nhiễm môi trường, nhưng  lại đổ lỗi hoàn toàn cho Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường là không đúng thực tế. Bởi vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng đó các cấp, ngành liên quan cần quan tâm, đầu tư đồng bộ, kịp thời để hoàn thiện hệ thống mương số 3 góp phần quan trọng cải thiện môi trường ở khu vực này. Ông Đậu Ngọc Thái - khối 7, phường Trường Thi, nhà sát ngay mương số 3 kiến nghị: “Thực tế ô nhiễm mương số 3 ảnh hưởng đến nhiều khối, vì vậy nếu thành phố đầu tư cải tạo, đậy nắp mương thì đậy cả chiều dài dọc tuyến đảm bảo môi trường chung”.
 
Đây cũng là mong muốn của lãnh đạo phường Trường Thi. Ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường còn cho biết: Phường đã có văn bản gửi thành phố kiến nghị việc thay đổi thiết kế mương nước số 3 với lý do “mương đã được xây dựng từ lâu, quá trình sử dụng đến nay hầu hết đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, thành mương hai bên bị sạt lở, đáy mương không còn dẫn đến chân thành mương bị hỏng gây nguy hiểm cho nhân dân đi qua tại khu vực này. Vì vậy, việc đơn vị thi công triển khai đậy nắp mương mà không có biện pháp gia cố thành mương là không hợp lý và sẽ làm cho thành mương thoát nước có thể đổ sập trong thời gian tới. Từ thực tế trên, UBND phường Trường Thi kiến nghị nên đổ bể tông gia cố thành mương mỗi bên dày 150 mm, cách 5m - 10m đổ thanh giằng trước khi đậy tấm đan”. Phóng viên Báo Nghệ An đã quan sát thực tế tại hiện trường và thấy kiến nghị này là hợp lý.
 
Ông Nguyễn Thanh Chương (khối 10) nhà sát sau khu xử lý nước thải của nhà máy bia cho biết: Tôi đã  từng đi ra Nhà máy bia Hà Nội, Ha li đa cũng nằm trong khu vực dân cư nhưng họ vẫn xử lý tốt, sản xuất bình thường có mùi vị gì đâu, mặc dù diện tích đất của họ rất nhỏ. Đối với Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, bây giờ chưa nói đến chuyện dời đi hay không dời đi mà vấn đề quan trọng nhất là khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý triệt để mùi hôi, bụi, tiếng ồn và nước thải”. 
 
Rõ ràng tại những thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… vẫn tồn tại những nhà máy sản xuất bia thân thiện với môi trường ngay trong lòng thành phố cho dù diện tích của họ chật hẹp hơn, dân cư sống xung quanh đông hơn thì tại TP. Vinh, Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vẫn “có đất” để phát triển, tuy nhiên vấn đề còn lại là doanh nghiệp có cải thiện được tình trạng môi trường hay không? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Quang Danh, Ủy viên Hội đồng quản trị, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cho biết: “Vấn đề môi trường hiện nay đã và đang được cải thiện. Công ty đang tích cực triển khai cải tạo các hạng mục công trình và sẽ giảm công suất hoạt động của nhà máy theo yêu cầu của tỉnh Nghệ An… Trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung đầu tư để nâng cấp, cải tạo hệ thống  xử lý môi trường và chúng tôi sẽ thực hiện đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu”, hoàn  thành từng hạng mục công trình …  
 
Vì vậy, để từng bước giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường, phải có thời gian, nên chúng tôi rất cần các cấp, ngành và nhất là người dân ủng hộ”. Cách đầu tư xử lý môi trường tại Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là được thực hiện theo mô hình đầu tư xử lý môi trường của Nhà máy sản xuất bia Sài Gòn tại 187 - đường Nguyễn Chí Thanh - phường 12 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh. Với cách đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu” đó, Nhà máy sản xuất bia Sài Gòn tại 187 - đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Hồ Chí Minh đã giảm công suất, vừa duy trì sản xuất, vừa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, nên mặc dù nằm trong nội đô của TP. Hồ Chí Minh, nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề môi trường và sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
 
Tuy nhiên, bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và đầu tư công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cần học tập cách xây dựng mối quan hệ gắn bó bền chặt với chính quyền địa phương và người dân nơi địa bàn đóng chân như Nhà máy sản xuất bia Sài Gòn tại 187 - đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Hồ Chí Minh. Bởi thực tế cho thấy lâu nay mối quan hệ giữa công ty bia và người dân sống xung quanh nhà máy chưa được tốt, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho “cái sảy nảy cái ung”.
 
Ngay cả ông Trần Văn Giáo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường và ông Nguyễn Tất Thiện – Chủ tịch UBND phường Trường Thi đều cho rằng: “Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh cần phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, giải quyết những tác động trực tiếp do nhà máy bia gây ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng lân cận”. Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh là một trong những đơn vị rất quan tâm đến công tác hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội ở địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng tại phường Trường Thi, là địa bàn của doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thì công tác này lại chưa thật sự  được chú trọng.
 
Có người cho rằng: Ngay tại khu vực lân cận nhà máy bia trực tiếp bị ảnh hưởng, cũng đang có một số gia đình cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hay một số công trình hạ tầng kỹ thuật tại địa phương cũng đang cần được nâng cấp và các hoạt động của các hội khuyến học, cựu chiến binh… rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, tổ chức và nếu Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh có những hoạt động thiết thực, phù hợp hơn nữa tại địa bàn này thì sẽ tạo ra được sự gắn kết và mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp. Điều đó không chỉ thể hiện được trách nhiệm của mình với “láng giềng gần”, mà còn bảo đảm sự hài hòa lợi ích của địa phương và nhất là đối với người dân để họ yên tâm ổn định cuộc sống.
 
Một vấn đề quan trọng nữa mà Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cần phải học tập Nhà máy bia tại 187, đường Nguyễn Chí Thanh - TP. Hồ Chí Minh đó là xây dựng và thực hiện quy chế, kỷ luật lao động và đào tạo, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cũng như năng lực cán bộ. Bởi con người là khâu then chốt nhất, dù máy móc có hiện đại bao nhiêu nhưng con người ý thức kém, năng lực hạn chế thì việc xảy ra sự cố như “ngủ quên 15 phút để tràn bùn” hay “sơ suất vận hành không đúng quy trình” là không thể tránh khỏi… Theo chúng tôi được biết thì Nhà máy Bia tại 187, đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Hồ Chí Minh là cái nôi đào tạo cán bộ chủ chốt của SABECO. Tại đây, đã đào tạo hàng trăm cán bộ “nguồn” cho các nhà máy thuộc hệ thống của SABECO và  hiện đội ngũ cán bộ chủ chốt của Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là những người được đào tạo bài bản, chính quy, bởi vậy những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong quá trình  đầu tư sản xuất, kinh doanh,  xử lý môi trường… của Nhà máy Bia tại 187, đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ có ích cho Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh và giúp công ty sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo môi trường.
 
Bên cạnh đó, để phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh nên thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm tiết kiệm tài nguyên  nước, nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu đến mức tối đa nguồn phát thải, tận thu phế liệu, tiết kiệm chi phí xử lý, từng bước tiếp cận sản xuất sạch hơn để phát triển bền vững. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch  Hội đồng quản trị Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh khẳng định: “Chúng tôi sẽ quyết tâm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Về lâu dài có thể tính đến phương án di chuyển khu xử lý nước thải, chuyển một phần địa điểm sản xuất ra ngoại ô…”. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên tính đến giải pháp tái định cư cho một số hộ dân ở  ngay sát sau khu xử lý nước thải của nhà máy để đảm bảo tính ổn định lâu dài.
 
Nguyện vọng được sống trong môi trường trong lành của người dân là chính đáng, vì vậy thời gian qua, UBND tỉnh đã rất tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, giám sát và thúc đẩy Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh nhanh chóng hoàn thành các công trình xử lý môi trường nhằm đáp ứng cho người dân được sống trong môi trường trong lành. Hiện nay, công ty cũng đã và đang tích cực hoàn thiện các yêu cầu mà UBND tỉnh giao. Lãnh đạo công ty cho biết: “Sau khi hệ thống liên hiệp xả nước tự động, bể điều hòa đầu vào, bể yếm khí tự động… được hoàn thiện, năng lực xử lý nước thải của công ty sẽ tăng thêm so với công suất hiện có là 30%”.
 
Về phía chính quyền Thành phố Vinh, ông Lê Quốc Hồng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP. Vinh đã thành lập tổ giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy bia của Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh gồm thành viên là các cơ quan liên quan của UBND TP. Vinh, phường Trường Thi và đại diện khối trưởng các khối dân cư liên quan. Cùng với đó đẩy nhanh công tác cải tạo mương số 3 và phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động  doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật”.
 
Tuy nhiên, một số người dân phản ánh, hiện nay thành phố đã ban hành kế hoạch giám sát nhưng thực tế người dân chưa được trực tiếp tham gia hoạt động giám sát này. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tổ giám sát đi vào hoạt động, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến môi trường nhà máy bia để nhân dân được theo dõi, kiểm tra và giám sát.
 
Như đã nêu ở trên, sự đóng góp và phát triển của Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh đã trở thành nền tảng vững chắc và tạo thành động lực phát triển cho ngành công nghiệp chế biến đồ uống tại Nghệ An. Nhờ vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn về lĩnh vực sản xuất bia, đồ uống. Điều này thể hiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh để thúc đẩy sự phát triển KT-XH, tạo tiền đề thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Vì vậy, để Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh ổn định sản xuất, tiếp tục đầu tư tại Nghệ An trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, người dân cũng nên chia sẻ với nhà máy, tạo cơ hội để nhà máy chứng tỏ năng lực giải quyết các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh phải thực hiện được lời hứa “Khắc phục ô nhiễm môi trường với dân, với tỉnh”  bởi “một lần bất tín sẽ vạn lần bất tin”.
 
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên
nguồn : baonghean.vn