Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm từ các khu công nghiệp, các nhà máy lớn đang trở nên bức thiết. Đã có nhiều đơn khiếu nại, khiếu kiện, có nhiều vụ phải đưa ra luật pháp, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nhà máy lẫn người dân. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, vụ nhà máy Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải đã gây ra bao bức xúc trong nhân dân, trở thành vụ kiện kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Hay như ở tỉnh ta, vụ trại lợn giống ngoại Thái Dương ở Đô Lương chăn nuôi vượt quy mô cho phép, hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Sau nhiều lần đối thoại, giải quyết không thành, người dân đã xông vào đập phá trại lợn, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế… Dẫn chứng đó để thấy, việc khắc phục ô nhiễm môi trường nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Nhưng khắc phục như thế nào? Trách nhiệm của các bên ra sao? Làm thế nào để “hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và người dân” thì đó mới là điều đáng bàn, là cái đích mà nhóm tác giả muốn hướng đến.
Ở kỳ 1, “Tính tất yếu của sự phát triển”, tác giả đã phân tích thấu đáo vai trò của Nhà máy Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh: cung cấp nước giải khát cho thị trường; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; nâng cao đời sống cho người dân; đóng góp ngân sách của tỉnh và có nhiều hoạt động đóng góp an sinh xã hội. “Có thể nói thời điểm nhà máy bia ra đời là bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp non trẻ ở Nghệ An; khai mở nền công nghiệp đồ uống”. Và qua từng thời kỳ phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng công suất của nhà máy, kéo theo đó là sự phát triển của đô thị đã gây ra áp lực về môi trường. Và “đó là điều tất yếu song hành”. Tuy nhiên, do không được xử lý kịp thời, dứt điểm nên đã gây ra bức xúc kéo dài giữa doanh nghiệp và người dân.
Sang kỳ 2, đứng trên lập trường của người dân, đồng thời tìm hiểu kỹ về phía doanh nghiệp, nhóm PV đã phản ánh khách quan, chân thực những mâu thuẫn, bức xúc kéo dài và nguyên nhân là do “chưa tìm được tiếng nói chung” trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. Trước hết là do: “Trong quá trình mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng công suất trong khi các điều kiện đảm bảo môi trường chưa hoàn thiện của công ty đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”. Tuy nhiên, ngay sau khi có phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý và công ty đã có nhiều phương án để khắc phục. Điều đáng ghi nhận, trước phản ánh của người dân, công ty đã tổ chức đối thoại và nhận trách nhiệm về mình, kịp thời khắc phục sự cố trên. Vậy nhưng “không ưa thì dưa có dòi”, những thiện chí và nỗ lực đó của công ty không được người dân ghi nhận, họ tiếp tục khiếu kiện, khiếu nại, gây khó khăn cho công ty. Bên cạnh đó, việc công ty tăng công suất, lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết đúng với quy trình nhưng do UBND phường Trường Thi làm ngược, thêm một lần nữa gia tăng bức xúc trong dư luận nhân dân, khiến doanh nghiệp và người dân “không tìm được tiếng nói chung”.
Mấu chốt của vấn đề chính là “Sẻ chia để cùng phát triển”. Trước hết cần khẳng định rằng, việc người dân đòi hỏi môi trường sống trong lành là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nhà máy đang nỗ lực tập trung mọi giải pháp để khắc phục thì cũng cần lắm sự cảm thông, sẻ chia để cùng nhau hướng đến sự phát triển. Những kiến nghị, đề xuất của người dân phường Trường Thi đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và có nhiều văn bản ban hành. Đặc biệt, được công ty tiếp thu với tinh thần cầu thị. Hướng khắc phục được công ty đưa ra một cách rõ ràng, tình hình môi trường đã được cải thiện. Một số người dân, nhất là cán bộ, đảng viên đã rất đồng tình, ủng hộ nhà máy, ghi nhận những nỗ lực của công ty. Điều quan trọng là “Nếu bây giờ buộc nhà máy phải ngừng sản xuất hay di chuyển” như một số người dân yêu cầu cho “đã cơn giận” thì không chỉ nhà máy bia thiệt hại, tỉnh bị ảnh hưởng về nguồn thu ngân sách mà còn kéo theo hơn 240 lao động đang làm việc ở nhà máy, hàng nghìn lao động ở hơn 70 đại lý, 1.700 điểm bán lẻ mất việc làm”. Do đó “Lẽ thường ai cũng có lúc chưa đúng, chưa tốt nhưng điều quan trọng là họ nhận thức được vấn đề và có những động thái tích cực để sửa sai. Vì vậy, người dân cũng nên ghi nhận và chia sẻ. Cũng nên mở lòng để chia sẻ với doanh nghiệp…”
Ở kỳ 4, kỳ 5, để đưa ra một giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp, nhóm P.V đã kỳ công vào tận Sài Gòn để phản ánh mô hình “vừa sản xuất, vừa đảm bảo môi trường” của Công ty Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh “nằm giữa lòng thành phố” đông đúc, đô hội, chật hẹp nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí “Xanh – Sạch – Đẹp”, gắn lợi ích doanh nghiệp với quyền lợi người dân; xây dựng được mối quan hệ thân thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Cuối cùng, cái kết của vấn đề là “người dân cần cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp” trong quá trình khắc phục ô nhiễm; song, “doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc thực hiện lời hứa, cam kết bảo vệ môi trường”. Khi đó, lợi ích người dân được đảm bảo, doanh nghiệp làm ăn có lãi, tạo được mối quan hệ hài hòa, thân thiện, đó chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
NGƯỜI XÂY DỰNG