TIN TỨC


baonghean.vn: Xung quanh bài "Khắc phục ô nhiễm môi trường ở Công ty bia SG NT"

Xung quanh bài "Khắc phục ô nhiễm môi trường ở Công ty bia SG NT"

(Baonghean) - Báo Nghệ An các số ra ngày 14,15,16,19,20 tháng 5 đăng tải loạt bài về “Khắc phục ô nhiễm môi trường tại Công ty cổ phần bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh: Hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và người dân”. Sau khi báo đăng, ngày 2/6/2013, Báo Nghệ An nhận được Công văn do ông Phạm Ngọc Mai - Phó Bí thư chi bộ, khối trưởng ký đề thay mặt cán bộ, đảng viên, nhân dân khối 10 (phường Trường Thi, Thành phố Vinh). Công văn có nội dung như sau:
 
Ông Phạm Ngọc Mai - Khối trưởng khối 10, phường Trường Thi,  phản ánh về vấn đề ô nhiễm với PV.
Ông Phạm Ngọc Mai - Khối trưởng khối 10, phường Trường Thi, phản ánh về vấn đề ô nhiễm với PV.
 
1. Ít khi báo Nghệ An viết bài đưa tin về ô nhiễm của Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vì “ngại va chạm” với doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Khi người dân tiếp tục phản ứng tập thể, kêu cứu lên lãnh đạo các cấp. Nhiều báo đồng loạt đưa tin phản ánh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân thì Báo Nghệ An mới có một nhóm phóng viên đến viết bài, đưa tin. Bằng cách kể lể vòng vo, nhiều từ ngữ khiếm nhã, xúc phạm tình cảm cộng đồng “không ưa thì dưa có dòi”, “yêu nhau quả ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”, di chuyển nhà máy cho “đã cơn giận”, “bắt chẹt doanh nghiệp”, “gây sức ép với chính quyền”… cùng nhiều thông tin thiếu khách quan, trung thực làm cho người đọc khó chịu, người dân càng thêm bức xúc, mất lòng tin.
 
2.  Để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân sống xung quanh nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, thậm chí của một người dân bình thường là điều kiện “sống còn” của nhà máy “không nên ngộ nhận lợi ích người tiêu dùng với lợi ích doanh nghiệp” để đưa ra khái niệm “hài hòa” như bài báo đã nêu là khập khiễng, sai lầm.
 
3. Ngày 15/5/2014, chúng tôi được tham gia “Tổ giám sát” (Theo QĐ 2547 ngày 15/4/2014 của UBND Thành phố Vinh) kiểm tra nhà máy thấy một số công trình theo Công văn chỉ đạo 1836 ngày 1/4/2014 của UBND tỉnh đã và đang xây dựng, còn kết quả bảo vệ môi trường của các công trình thì chưa nói được gì, vì “Tổ giám sát” không đủ trình độ chuyên môn.
 
4. Trong khi lãnh đạo tỉnh, Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh chưa tìm được biện pháp bảo vệ môi trường có tính “đột phá” thì cần tôn trọng, lắng nghe những ý kiến phản biện của người dân. Không nên xử sự theo kiểu “cả vú lấp miệng em” như phóng viên Báo Nghệ An đã làm… Hãy sử dụng phóng viên chân chính để đi tìm sự thật, hãy loại bỏ những phóng viên tầm thường luôn đi tìm lợi ích.
 
Trước hết, Báo Nghệ An xin chân thành cảm ơn Ban cán sự khối 10 cũng như cá nhân ông Phạm Ngọc Mai đã theo dõi, có công văn phản hồi kịp thời vấn đề báo nêu. Về các nội dung Công văn, Báo Nghệ An xin được trao đổi lại như sau:
 
Thứ nhất, Công văn cho rằng: Ít khi báo Nghệ An viết bài đưa tin về ô nhiễm của Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vì “ngại va chạm” với doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, Báo Nghệ An khẳng định là Báo hoạt động theo tôn chỉ, mục đích “Là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An”, nội dung trong Công văn do ông Phạm Ngọc Mai ký cho rằng Báo Nghệ An “ngại va chạm” với doanh nghiệp, có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước là không có căn cứ. Bằng chứng là mặc dù Báo Nghệ An chưa từng nhận được đơn thư khiếu nại, kêu cứu của người dân phường Trường Thi nói chung, khối 10 nói riêng nhưng sau khi nắm bắt thông tin Tòa soạn đã cử nhóm phóng viên đi điều tra, tìm hiểu sự việc.
 
Để có tiếng nói chân thực, khách quan, nhóm phóng viên ngoài việc thu thập các tài liệu liên quan, làm việc với nhà máy bia, trực tiếp quan sát dây chuyền công nghệ và khâu xử lý nước thải, so sánh với các quy định hiện hành và đối chiếu với yêu cầu công văn 1836 của UBND tỉnh, còn gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Sở Tài Nguyên Môi Trường, Chi cục bảo vệ môi trường, lãnh đạo Thành phố Vinh, lãnh đạo phường Trường Thi; một số người dân và cán bộ các khối 6,7,8,9,10,14… Riêng ông Phạm Ngọc Mai - Phó Bí thư chi bộ, Khối trưởng khối 10, phóng viên đã tiếp xúc, trò chuyện 3 lần (tất cả các phỏng vấn liên quan đều được ghi âm, ghi hình đầy đủ); trường hợp bà Nguyễn Thị Mỹ - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khối 10, phóng viên phải kiên trì đến nhà 5 lần mới gặp.
 
Phóng viên Báo Nghệ An còn trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu mô hình xử lý nước thải của nhà máy bia Sài Gòn ở 187 Nguyễn Chí Thanh, phỏng vấn người dân, lãnh đạo phường 12, quận 5, nơi nhà máy bia này đóng chân về mô hình nhà máy xanh, sạch, thân thiện với môi trường; tìm hiểu mô hình nhà máy công viên ở Sài Gòn - Củ Chi và mô hình xử lý nước thải của nhà máy bia Cầu Mượu để tìm ra hướng xử lý tốt nhất sự việc, đảm bảo môi trường cho người dân và góp phần giúp doanh nghiệp tìm ra hướng đi, giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cũng như giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho nền kinh tế tỉnh nhà. 
 
Về nội dung: Báo Nghệ An dùng những từ ngữ khiếm nhã, xúc phạm tình cảm cộng đồng “không ưa thì dưa có dòi”, “yêu nhau quả ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”, di chuyển nhà máy cho “đã cơn giận”, “bắt chẹt doanh nghiệp”, “gây sức ép với chính quyền”… cùng nhiều thông tin thiếu khách quan, trung thực làm cho người đọc khó chịu, người dân càng thêm bức xúc, mất lòng tin”. Vấn đề này, trong bài báo cũng như hiện nay, Báo Nghệ An luôn khẳng định, việc người dân yêu cầu đảm bảo môi trường sống trong lành là hoàn toàn chính đáng nhưng không phải vì thế mà phủ nhận hoàn toàn nỗ lực và thiện chí của doanh nghiệp trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường.
 
Trong năm 2013, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng công ty vẫn để xẩy ra sự cố. Tại buổi làm việc với người dân ngày 30/5/2013, giám đốc công ty CP Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh đã nhận trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân, đồng thời cam kết khắc phục nhanh nhất các sự cố. Giữ lời hứa, công ty đã triển khai một số biện pháp và chính bản thân ông Phạm Ngọc Mai cũng đã thừa nhận cố gắng của nhà máy bia trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường thời gian gần đây. Tuy nhiên, những thiện chí và nỗ lực của công ty không được một số người dân khối 10 ghi nhận và thậm chí trước tết Nguyên đán 2014 còn lấp mương ngăn không có công ty xả thải nguồn nước ra mương số 3.
 
Thậm chí tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh với nhân dân ngày 25/2/2014 đại diện người dân (chủ yếu khối 10) còn kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ sản xuất của công ty; di chuyển nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh ra khỏi khu dân cư; cấm xả nước thải ra mương số 3; xử lý ô nhiễm mương số 3 và vùng bị ô nhiễm, bồi thường thiệt hại sức khỏe cho nhân dân vùng bị ô nhiễm; thực hiện đề án bảo vệ môi trường phải có sự giám sát của nhân dân… Tại hội nghị đó, Giám đốc công ty CP Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh, ông Hoàng Lâm Hòa đã phát biểu: “Hiện tại tôi giải thích thế nào thì người dân cũng không tin, không nghe, tôi sẽ hành động bằng biện pháp cụ thể. Xin cho tôi thời gian để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường”. Tuy nhiên, một số người dân, chủ yếu ở khối 10 vẫn gửi đơn khắp nơi, ra tận Trung ương với mục đích là quyết bắt buộc nhà máy Bia phải di dời đi nơi khác mà không tính đến các hệ lụy đi kèm.
 
Vì vậy, việc Báo Nghệ An dùng từ ngữ đặt trong bối cảnh đó là phù hợp, phản ánh đúng về tình hình thực tế, không có ý “xúc phạm tình cảm cộng đồng”, có chăng là đã đụng chạm đến một số người cực đoan, trước sau vẫn khăng khăng không muốn thừa nhận cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp và không cho doanh nghiệp có cơ hội khắc phục ô nhiễm. Không những thế, sau khi loạt bài được đăng tải, phóng viên Báo Nghệ An đã tìm gặp các bên liên quan để ghi nhận các ý kiến phản hồi. Các ý kiến đều cho rằng “Những vấn đề Báo Nghệ An nêu là khách quan”, “Thông tin đầy đủ, có thực trạng, tồn tại, khó khăn, có so sánh viện dẫn đưa ra trách nhiệm từ nhiều phía…”. Trong đó, ông Võ Ngọc Cương- Bí thư chi bộ khối 10 (phường Trường Thi) cũng đã thừa nhận: “Báo Nghệ An phản ánh vừa phải, trung hòa, không nghiêng về bên nào”.
 
Thứ hai, Công văn cho rằng: “Để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân sống xung quanh nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, thậm chí của một người dân bình thường là điều kiện “sống còn” của nhà máy. Không nên ngộ nhận “lợi ích người tiêu dùng với lợi ích doanh nghiệp” để đưa ra khái niệm “hài hòa” như bài báo đã nêu là khập khiễng, sai lầm”. Về vấn đề này, trong loạt bài, Báo Nghệ An đã khẳng định vấn đề quan trọng nhất là nhà máy bia phải thực hiện lời hứa với dân, với tỉnh trong vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường. Ngay cả việc tìm hiểu, đưa ra các dẫn chứng về mô hình nhà máy thân thiện với môi trường tồn tại ngay trong lòng thành phố như nhà máy bia 187 Nguyễn Chí Thanh (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là để chứng minh rằng đảm bảo môi trường là điều kiện “sống còn” của một nhà máy.
 
Tuy nhiên, để nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh có thể làm được điều này thì người dân phải cho doanh nghiệp cơ hội thể hiện thiện chí và năng lực giải quyết ô nhiễm của mình. Về thuật ngữ “hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp” nghĩa là: Lợi ích người dân trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là lợi ích người tiêu dùng mà lợi ích nằm trong quyền đảm bảo môi trường sống trong lành và các lợi ích khác liên quan đến việc làm, thu nhập người lao động. Bởi như đã phân tích trong loạt bài, ngoài việc đóng góp ngân sách, nhà máy bia còn tạo công ăn việc làm cho 240 lao động (gồm 63 lao động cư trú tại phường Trường Thi, trong đó có cả ở khối 10) cùng hàng nghìn lao động vệ tinh ở 70 đại lý, 1.700 điểm bán lẻ. 
 
Thứ ba, Công văn cho rằng “Ngày 15/5/2014, chúng tôi được tham gia “Tổ giám sát” (Theo QĐ 2547 ngày 15/4/2014 của UBND Thành phố Vinh) kiểm tra nhà máy thấy một số công trình theo Công văn chỉ đạo 1836 ngày 1/4/2014 của UBND tỉnh đã và đang xây dựng, còn kết quả bảo vệ môi trường của các công trình thì chưa nói được gì, vì “Tổ giám sát” không đủ trình độ chuyên môn…”. Về nội dung này, theo QĐ 2547 ngày 15/4/2014 của UBND thành phố Vinh, Tổ giám sát Công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh ngoài đại diện các khối dân cư và lãnh đạo phường Trường thi còn có lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường Thành phố Vinh, chuyên viên Phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Chi cục BVMT Nghệ An), đội trưởng và cán bộ Đội cảnh sát Phòng chống tội phạm ô nhiễm môi trường Thành phố Vinh nên nói “Tổ giám sát không đủ trình độ chuyên môn” là không khách quan.
 
Cái quan trọng của người dân tham gia đoàn giám sát là để xem xét những động thái, việc làm của công ty có tích cực thực hiện lời hứa xử lý môi trường hay không, còn về phần chuyên môn đã có các ban, ngành liên quan thẩm định. Nếu công ty đã tích cực thì người dân cần tin tưởng và tạo điều kiện cho công ty thực hiện, bởi để xây dựng được hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường ở Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh một cách đồng bộ cần phải có thời gian, không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Người dân cần bình tĩnh, cho công ty thời gian thực hiện, nếu đến thời hạn như đã cam kết, công ty vẫn không thực hiện được các giải pháp đảm bảo môi trường thì người dân yêu cầu công ty di dời cũng chưa muộn.
 
Thứ tư, Công văn cho rằng: “Trong khi lãnh đạo tỉnh, Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh chưa tìm được biện pháp Bảo vệ môi trường có tính “đột phá” thì cần tôn trọng, lắng nghe những ý kiến phản biện của người dân. Không nên xử sự theo kiểu “cả vú lấp miệng em” như phóng viên Báo Nghệ An đã làm… Hãy sử dụng phóng viên chân chính để đi tìm sự thật, hãy loại bỏ những phóng viên tầm thường luôn đi tìm lợi ích”. Về vấn đề này, Báo Nghệ An nhận thấy, cũng bởi tôn trọng, lắng nghe ý kiến phản biện của người dân nên UBND tỉnh đã ban hành công văn 1836 yêu cầu nhà máy bia giảm công suất, triển khai các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, chỉ đạo UBND Thành phố Vinh thành lập tổ giám sát, triển khai nạo vét, đậy nắp mương số 3…
 
Bản thân Công ty cổ phần Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh cũng đã và đang nỗ lực thực hiện các yêu cầu của lãnh đạo tỉnh tìm các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Cố gắng, nỗ lực của công ty được các cơ quan chức năng, lãnh đạo, nhân dân phường Trường Thi, trong đó có cả người dân khối 10 ghi nhận. Về phía Báo Nghệ An, cũng bởi tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân nên đã cử nhóm phóng viên điều tra, thu thập thông tin, ý kiến trao đổi từ nhiều phía, nhiều chiều để phản ánh vấn đề một cách khách quan, trung thực. Thậm chí, còn vào tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm mô hình, gợi mở hướng giải quyết tốt nhất cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường ở nhà máy bia, đảm bảo môi trường cho người dân cũng như giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế.
 
Ngoài viết bài trên báo in, Báo Nghệ  An còn xây dựng 3 tập video clip đính trên báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn), trong đó có cả những ý kiến trái chiều, vì vậy không có chuyện “cả vú lấp miệng em” như nội dung công văn đã thể hiện. Mặt khác, Báo Nghệ An là tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, vì vậy Báo Nghệ An luôn nhận thức rằng, không có bất cứ lý do gì và vì ai mà cho phép phóng viên viết sai sự thật, mà phóng viên phải dựa trên cơ sở thực tiễn, đặt lợi ích chung lên trên hết khi thể hiện tác phẩm. Nhóm phóng viên được cử thực hiện điều tra viết loạt bài “Khắc phục ô nhiễm môi trường ở Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh" cũng không ngoại lệ.
 
Trên đây là những trao đổi của Báo Nghệ  An xung quanh bài viết: “Khắc phục ô nhiễm môi trường ở Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh:  Hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp”. Một lần nữa, Báo Nghệ An cảm ơn ông Phạm Ngọc Mai đã ký gửi Công văn thay mặt cán bộ, đảng viên và nhân dân khối 10 (phường Trường Thi, TP. Vinh) gửi tới Báo Nghệ An có nội dung quan tâm tới bài báo.
 
Ông Phạm Ngọc Mai (Ký gửi Công văn thay mặt cán bộ,
đảng viên, nhân dân khối 10, phường Trường Thi, TP. Vinh)
Báo Nghệ An